Truy cập nội dung luôn

Chi tiết tin

Sức khỏe tâm thần là vấn đề của mỗi cá nhân và cả cộng đồng
03/11/2023

         ​Thông điệp được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra cho Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới năm 2023 là “Tâm hồn của chúng ta, quyền lợi của chúng ta”. Với thông điệp này, WHO kêu gọi mỗi cá nhân và cộng đồng quan tâm chăm sóc sức khỏe tâm thần.

SỨC KHỎE TÂM THẦN QUYẾT ĐỊNH CUỘC SỐNG CON NGƯỜI

Bác sĩ chuyên khoa 2 (BSCK2) Trần Quốc Kính, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang chia sẻ: Sức khỏe tâm thần là nền tảng cho sự khỏe mạnh và hoạt động hiệu quả của các cá nhân. Sức khỏe tâm thần không chỉ là trạng thái không có rối loạn tâm thần, mà còn bao gồm khả năng suy nghĩ, học hỏi và hiểu được cảm xúc của một người và phản ứng của người khác.

Bác sĩ CK2 Trần Quốc Kính thăm hỏi, động viên bệnh nhân tâm thần tích cực điều trị phục hồi sức khỏe tại Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang.
BSCK2 Trần Quốc Kính thăm hỏi, động viên bệnh nhân tâm thần tích cực điều trị phục hồi sức khỏe tại Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang.

 

Sức khỏe tâm thần là một trạng thái cân bằng, cả bên trong cơ thể và với môi trường. Các yếu tố thể chất, tâm lý, xã hội, văn hóa, tinh thần và các yếu tố liên quan khác đều tham gia vào việc tạo ra sự cân bằng này, có mối liên hệ không thể tách rời giữa sức khỏe tâm thần và thể chất.

Sức khỏe tâm thần là quyền cơ bản của con người. Mọi công dân, bất kể ở đâu, đều có quyền đạt được tiêu chuẩn cao nhất về sức khỏe tâm thần. Điều này bao gồm quyền được bảo vệ khỏi các rủi ro về sức khỏe tâm thần, quyền được chăm sóc cũng như quyền tự do, độc lập và hòa nhập vào cộng đồng. Theo WHO, sức khỏe tâm thần không bao giờ được coi là lý do để tước bỏ quyền con người của một người hoặc loại họ ra khỏi các quyết định về sức khỏe của chính họ.

 

Tuy nhiên, trên khắp thế giới, những người mắc bệnh tâm thần vẫn tiếp tục phải hứng chịu nhiều vi phạm về nhân quyền. Nhiều người bị loại khỏi cuộc sống cộng đồng và bị phân biệt đối xử, trong khi nhiều người khác không thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần mà họ cần hoặc chỉ có thể tiếp cận dịch vụ mà vi phạm nhân quyền của họ.

Sức khỏe tinh thần tốt là một phần không thể thiếu trong sức khỏe và hạnh phúc tổng thể của chúng ta. Sức khỏe tinh thần tốt cho phép chúng ta đương đầu với thử thách, kết nối với người khác và phát triển trong suốt cuộc đời. Mọi người đều có quyền tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần chất lượng, đáp ứng nhu cầu về sức khỏe tâm thần và được tôn trọng.

BSCK2 Trần Quốc Kính cho biết, theo nguồn thông tin từ WHO, hiện nay, tình trạng sức khỏe tâm thần đang ảnh hưởng đến 1/7 thanh, thiếu niên trên toàn cầu. Trong đó, trầm cảm là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tật và khuyết tật ở thanh, thiếu niên.

Trong đó, có tới hàng 100 triệu người bị rối loạn sức khỏe tâm thần ở khu vực Tây Thái Bình Dương và chỉ riêng rối loạn trầm cảm là nguyên nhân gây ra 5,73% gánh nặng bệnh tật ở khu vực này. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc 10 chứng rối loạn tâm thần phổ biến là khoảng 20% dân số, trong đó trầm cảm là vấn đề sức khỏe tâm thần đáng báo động hiện nay. Trầm cảm cũng là nguyên nhân tự sát của rất nhiều bệnh nhân.

Trước đây, sức khỏe tâm thần chưa được quan tâm của cộng đồng và gia đình. Hiện nay, cộng đồng có sự quan tâm hơn đối với bệnh lý tâm thần. Trên thực tế có nhiều loại rối loạn tâm thần khác nhau, với các biểu hiện khác nhau, thường có đặc trưng bởi sự kết hợp của những suy nghĩ, nhận thức, cảm xúc, hành vi và mối quan hệ bất thường với người khác. Rối loạn tâm thần bao gồm trầm cảm, rối loạn cảm xúc lưỡng cực, tâm thần phân liệt và các rối loạn tâm thần khác, mất trí nhớ, thiểu năng trí tuệ và chứng rối loạn phát triển như tự kỷ…

CẦN CHĂM SÓC TỐT SỨC KHỎE TÂM THẦN

Nói về nguyên nhân gây nên rối loạn tâm thần ở con người, BSCK2 Trần Quốc Kính cho biết có 4 nhóm nguyên nhân chính gây bệnh, gồm nguyên nhân thực thể gây tổn thương trực tiếp tế bào não như u não, chấn thương sô não, viêm não, viêm màng não hoặc do rối loạn chuyển hóa hoạt động của não bộ; nhóm nguyên nhân tâm lý như sang chấn tâm lý xuất hiện đột ngột, mãnh liệt hoặc sang chấn cường độ nhẹ kéo dài; nguyên nhân từ cấu tạo thể chất bất thường và nguyên nhân nội sinh hoặc tiềm ẩn khác. Trong đó 5 yếu tố thuận lợi cho rối loạn tâm thần phát sinh là di truyền, nhân cách, lứa tuổi, giới tính và tình trạng sức khỏe toàn thân.

Vấn đề sức khỏe tâm thần đang đối mặt hiện nay của Việt Nam nói chung và của Tiền Giang nói riêng chính là vấn đề tầm thần ở người cao tuổi, tâm thần trẻ, tâm thần do nghiện sử dụng rượu, bia, ma túy và nghiện hành vi… Trong năm 2022, Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang tiếp nhận điều trị hơn 73 ngàn bệnh nhân điều trị sức khỏe ngoại trú và gần 8.000 lượt bệnh nhân điều trị nội trú. Hiện tại, mỗi ngày có khoảng 300 bệnh nhân đến bệnh viện khám bệnh lý tâm thần và hơn 200 bệnh nhân điều trị nội trú.

Để chăm sóc tốt sức khỏe tâm thần cho người bệnh, BSCK2 Trần Quốc Kính khuyến cáo cộng đồng và gia đình bệnh nhân cần nâng cao nhận thực về bệnh tâm thần và tham gia vào việc chữa bệnh, phục hồi chức năng cho người bệnh; phục hồi chức năng tâm lý xã hội thông qua giao tiếp tạo điều kiện cho người bệnh vui chơi giải trí với mọi người; tôn trọng, lắng nghe ý kiến của người bệnh tâm thần và không tranh luận với họ; giúp người bệnh tâm thần vượt qua khó khăn và tạo cho người bệnh có việc làm phù hợp với khả năng của họ.

Gia đình cần có thái độ xem người bệnh tâm thần như các thành viên khác, không phân biệt đối xử; chấp nhận hành vi dị thường của người bệnh và tỏ rõ tình thương với người bệnh; kiên trì giúp đỡ người bệnh để họ không bi quan, chán nản; không cưỡng ép, giận dữ mà nên dịu dàng hướng dẫn người bệnh trong giao tiếp, ứng xử cũng như thực hiện công việc hằng ngày…

Để bảo vệ sức khỏe tâm thần, đối với các rối loạn tâm thần có nguyên nhân từ tổn thương thực thể não, cần tiêm ngừa đầy đủ các bệnh gây tổn thương não, đảm bảo an toàn trong sinh hoạt và lao động để không gây tổn thương sọ não. Điều trị tốt các bệnh lý thực thể của bản thân, tránh lạm dụng chất kích thích như rượu, bia, ma túy…

Đặc biệt, bác sĩ khuyến khích mọi người cần có lối sống lành mạnh, tạo cho bản thân tâm lý thoải mái, mạnh mẽ và sẵn sàng đón nhận các tình huống bất lợi trong cuộc sống để tạo cho bản thân sức khỏe tâm thần tốt.

THỦY HÀ - T. HOÀNG.

Nguồn: http://baoapbac.vn/suc-khoe-y-te/202310/suc-khoe-tam-than-la-van-de-cua-moi-ca-nhan-va-ca-cong-dong-993538/index.htm