Truy cập nội dung luôn

Chi tiết tin

Bệnh động kinh không được điều trị đầy đủ ở các nước có thu nhập thấp
27/06/2019

Theo tổ chức y tế thế giới (WHO), ba phần tư số người mắc bệnh động kinh ở các nước thu nhập thấp họ cần phải được điều trị nhưng không được thụ hưởng, nên họ có  nhiều nguy cơ tử vong sớm và bị nhiều kỳ thị trong cuộc sống.

Nguy cơ tử vong sớm ở những bệnh nhân bệnh động kinh cao gấp ba lần so với dân số nói chung. Ở các nước thu nhập thấp và trung bình, tử vong sớm ở những bệnh nhân động kinh cao hơn đáng kể so với các nước thu nhập cao. Lý do cho tỷ lệ tử vong sớm này ở các nước thu nhập thấp và trung bình có khả năng liên quan đến việc không tiếp cận được các chăm sóc y tế khi xảy ra các cơn động kinh liên tục và bệnh nhân động kinh tử vong do các nguyên nhân có thể phòng ngừa được như đuối nước, chấn thương đầu và bỏng.

Khoảng một nửa số người trưởng thành bị động kinh có vấn đề về sức khỏe tâm thần khác trong đó trầm cảm và lo âu chiếm 23%, và tỉ lệ mắc trầm cảm lo âu trong suốt cuộc đời của họ là 20%. Tình trạng sức khỏe tâm thần như thế có thể làm cho cơn co giật nặng hơn và làm giảm chất lượng cuộc sống của họ. Ở trẻ em bị bệnh động kinh có khoảng 30 – 40% trẻ bị khó khăn trong quá trình phát triển và học tập.

Theo chủ tịch của cục động kinh quốc tế (the International Bureau for Epilepsy), bác sĩ Martin Brodie: có sự kỳ thị đối với bệnh nhân động kinh và rất phổ biến. Sự kỳ thị liên quan đến bệnh động kinh là một trong những yếu tố chính ngăn cản mọi người tìm cách điều trị. Nhiều trẻ em bị động kinh không đến trường và người lớn bị từ chối làm việc, quyền lái xe và thậm chí kết hôn. Những hành vi vi phạm nhân quyền này ở những bệnh nhân động kinh cần phải chấm dứt.

Nguyên nhân gây động kinh bao gồm chấn thương trong lúc sinh đẻ, chấn thương sọ não, nhiễm trùng não (như viêm màng não hoặc viêm não) và đột quỵ. Ước tính 25% trường hợp có thể được ngăn chặn.

Các biện pháp can thiệp hiệu quả để phòng ngừa bệnh động kinh có thể được đưa ra như chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, kiểm soát bệnh truyền nhiễm, phòng chống chấn thương và sức khỏe tim mạch. Sàng lọc các biến chứng thai kỳ và ngăn ngừa chấn thương trong thời gian sinh; tiêm chủng chống viêm phổi và viêm màng não; chương trình phòng chống sốt rét ở vùng lưu hành; các sáng kiến để giảm thương tích giao thông đường bộ, bạo lực và té ngã; và các can thiệp về sức khỏe và cộng đồng để ngăn ngừa huyết áp cao, tiểu đường, béo phì và sử dụng thuốc lá đều có thể giúp giảm tỷ lệ động kinh.

Các chương trình thí điểm của Tổ chức y tế thế giới (WHO) nhằm làm giảm khoảng cách tiếp cận được điểu trị bệnh động kinh đã được thí điểm tại một số nước như: Ghana, Mozambique, Myanmar và Việt Nam. Trong đó có việc phải đảm bảo cung cấp đủ thuốc chống động kinh là một trong những ưu tiên cao nhất, cũng như việc đào tạo cho các nhân viên y tế không chuyên khoa, nhân viên chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Lược dịch: BS CKII Trần Quốc Kính.

Nguồn: https://www.who.int/news-room/detail/20-06-2019-who-highlights-scarcity-of-treatment-for-epilepsy-in-low-income-countries