Truy cập nội dung luôn

Chi tiết tin

Rối Loạn Tâm Thần Do Rượu
21/05/2015

​Ở Mỹ, khoảng 50% người dùng bia rượu thường xuyên và 30% có các vấn đề liên quan đến rượu như sử dụng rượu khi lái xe, bỏ học, mất việc do rượu. 14% tần suất suốt đời của lệ thuộc rượu. Tỷ lệ lạm dụng rượu ở nữ là 5% và ở nam là 10%. Các rối loạn liên quan đến rượu thực sự là mối quan tâm của Tổ chức Y Tế Thế Giới. Nó đứng hàng thứ 3 sau bệnh tim mạch và ung thư.

1/ Dịch tể:

Ở Mỹ, khoảng 50% người dùng bia rượu thường xuyên và 30% có các vấn đề liên quan đến rượu như sử dụng rượu khi lái xe, bỏ học, mất việc do rượu. 14% tần suất suốt đời của lệ thuộc rượu. Tỷ lệ lạm dụng rượu ở nữ là 5% và ở nam là 10%. Các rối loạn liên quan đến rượu thực sự là mối quan tâm của Tổ chức Y Tế Thế Giới. Nó đứng hàng thứ 3 sau bệnh tim mạch và ung thư.

2/ Bệnh sinh:

Lệ thuộc rượu gặp nhiều trong một số gia đình mà trẻ con của cha mẹ nghiện rượu. Chúng có trở nên nghiện rượu hay không tùy vào chuyện chúng có được nuôi bởi cha mẹ ruột không. Yếu tố gia đình liên quan nhiều ở đứa bé trai của cha ruột bị nghiện rượu. Khi có cha hoặc mẹ bị nghiện rượu thì nguy cơ đứa bé sẽ có nguy cơ nghiện cao hơn so với các trẻ khác.

Có sự khác biệt về chủng tộc và văn hóa trong khả năng dung nạp rượu. Như nhiều người châu Á thường có các triệu chứng nhiễm độc rượu cấp như đỏ mặt, chóng mặt và nhức đầu chỉ sau khi uống một lượng nhỏ rượu. Một vài nhóm cộng đồng văn hóa như người Do Thái, các người theo đạo Tin lành và một số người châu Á có tỷ lệ lệ thuộc rượu thấp, trong khi một số nhóm khác như người Mỹ bản địa, người Eskimos và một số nhóm Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha có tỷ lệ cao hơn.

Các chứng cứ này cho thấy có sự tham gia của yếu tố di truyền nhưng bản chất vẫn chưa được hiểu rõ.

Các bệnh đi kèm với rối loạn tâm thần: tác dụng êm dịu cũng như một số tác dụng khác của rượu làm cho nó thường được sử dụng trong một số nguyên nhân như lo âu, trầm cảm, mất ngủ. Tuy nhiên, sử dụng lâu dài có thể gây nên trầm cảm và ngưng rượu ở người nghiện rượu mãn gây nên lo âu. Việc đánh giá trầm cảm và lo âu ở người nghiện rượu nặng cần phải khảo sát và tái đánh giá sau thời gian ngưng rượu có thể kéo dài đến vài tuần. Nhiều bệnh nhân loạn thần thường sử dụng rượu khi thuốc men không đủ để làm giảm các triệu chứng loạn thần hoặc khi thuốc men tỏ ra không hữu hiệu. Ở bệnh nhân lượng cực, uống nhiều rượu thường dẫn đến hưng cảm. Trong số bệnh nhân có rối loạn nhân cách thì người có nhân cách chống đối xã hội dễ dàng bị lệ thuộc rượu nhiều hơn. Nghiện rượu cũng thường đi kèm vói nghiện các chất khác mà đặc biệt là nghiện thuốc lá.

Ngoài ra, một số rối loạn khác như ở trẻ mắc phải hội chứng tăng động giảm chú ý, hoặc nhân cách chống đối xã hội cũng là yếu tố nguy cơ.

3/ Tác dụng của rượu đối với cơ thể:

3.1/ Hấp thu và chuyển hóa:

Khoảng 10% rượu uống vào được hấp thu ở dạ dày, phần còn lại hấp thu ở ruột non. Nồng độ rượu trong máu đạt đến đỉnh cao từ 45 - 60 phút tùy theo tình trạng của dạ dày: khi đói, sự hấp thu nhanh hơn khi no.

Khoảng 90% rượu hấp thu vào được chuyển hóa qua quá trình oxid hóa ở gan. 10% còn lại được tiết dưới dạng nguyên thủy qua thận và phổi. Rượu được chuyển hóa bởi 2 enzyme: alcohol dehydrogenase (ADH) và aldehyde dehydrogenase. ADH chuyển rượu thành acetaldehyde là thành phần độc hại và aldehyde dehydrogenase chuyển acetaldehyde thành acide acetic

3.2/ Tác dụng của rượu đối với não:

Rượu có tác dụng ức chế hệ thần kinh tương tự như barbiturate và benzodiazepine. Có khả năng gây dung nạp chéo. Với nồng độ 0.05% trong máu, quá trình suy nghĩ và phán đoán trở nên lỏng lẻo và đôi khi bị ngưng trệ. Ở nồng độ 0.1%, các cử động tự ý trở nên vụng về. Nồng độ ngộ độc từ 0.1% - 0.15%. Ở nồng độ 0.2%, chức năng toàn bộ vùng vận động của não bị ức chế. Ở 0.3%, người bệnh trở nên lú lẫn và hôn mê. Từ 0.4 - 0.5%, bệnh nhân rơi vào hôn mê.

3.3/ Tác dụng của rượu lên các cơ quan khác:

Rượu có tác dụng độc đến nhiều cơ quan. Sử dụng lâu dài có thể đưa đến teo não, thoái hóa tiểu não, động kinh, bệnh thần kinh ngoại biên, bệnh cơ tim, bệnh về cơ, viêm gan do rượu, xơ gan, viêm dạ dày, viêm tụy, loét dạ dày và các rối loạn tiêu hóa khác. Thêm vào đó, tình trạng dinh dưỡng thei61u hụt thiamin, vitamin B12, acide nicotinic, folate kèm theo nghiện rượu mãn. Trong thời gian có thai, rượu làm độc cho thai nhi và có thể gây dị dạng.

4/ Các rối loạn tâm thần do rượu:

4.1/ Lệ thuộc và lạm dụng rượu

4.1.1/ Định nghĩa:

Lệ thuộc rượu: dùng nhiều rượu đến nỗi gây tác hại đến sức khỏe, thể chất, tinh thần. Có 3 dạng thường gặp:

(1) Liên tục dùng lượng rượu nhiều.

(2) Chỉ dùng nhiều rượu vào cuối tuần hoặc có trục trặc trong công việc.

(3) Dùng rất nhiều rượu kéo dài vài ngày đến cả tuần xen kẽ với các giai đoạn không uống.

Lạm dụng rượu: liên tục sử dụng rượu đến nỗi ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động của cá nhân và thường sau đó đi đến lệ thuộc rượu. Nói chung, thuật ngữ này áp dụng cho những người dùng rượu mà chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn chẩn đoán lệ thuộc rượu.

4.1.2/ Chẩn đoán:

4.1.2.1/ Lệ thuộc rượu:

Thường bệnh nhân bị tác động liên quan đến rượu trong các lãnh vực sau: công việc hay học tập, sức khỏe, quan hệ gia đình, chức năng xã hội, như chỉ gặp các bạn bè cùng uống rượu, hoặc các vấn đề liên quan đến pháp luật như không được chạy xe khi say, hoặc bạo hànhliên quan đến rượu.

Dung nạp là hiện tượng xãy ra khi với thời gian cần một lượng nhiều rượu mới gây một tác dụng tương tự. Triệu chứng này cho thấy đã có tính năng lệ thuộc. Lệ thuộc rượu vừa phải thường gặp nhưng tình trạng tăng dung nạp một cách mau lẹ thường hiếm hơn nhiều so với ma túy, barbiturate. Dung nạp thay đổi rất nhiều giữa người này với người khác. Tính năng lệ thuộc chỉ rõ ràng ở người có tính năng dung nạp rượu khi họ bị bắt buộc ngưng rượu và xuất hiện triệu chứng cai.

Tiêu chuẩn chẩn đoán lệ thuộc chất (DSM - IV)

* Có ít nhất 3 triệu chứng sau:

1/ Thường sử dụng số lượng nhiều hoặc hơn với thời gian lâu hơn sự mong đợi của một người

2/ Thường mong mỏi hoặc có 1 hoặc nhiều lần cố gắng ngưng rượu nhưng không thành công.

3/ Thường mất nhiều thời gian trong hoạt động cần thiết để có được chất đó (VD lấy cắp), sử dụng chất đó (VD hút hết điếu thuốc này đến điếu khác) hoặc phục hồi khỏi các tác dụng phụ của nó.

4/ Thường có triệu chứng nhiễm độc hoặc triệu chứng cai khi phải hoàn thành các công việc chính, bắt buộc trong công tác, trường học hoặc ở nhà (như không thể làm do say, đến trường hoặc đi làm trong trạng thái ngà ngà, đang còn say dù phai trông nom trẻ)

5/ Các hoạt động xã hội quan trọng, nghề nghiệp, tái sản xuất ngưng trệ hay giảm sút do sử dụng chất.

6/ Tiếp tục sử dụng dù biết rằng liên tục hoặc từng lúc có các vấn đề xã hội, tâm lý, sức khỏe là nguyên nhân hoặc làm nặng thêm do sử dụng chất (như vẫn sử dụng heroin dù gây xào xáo trong nhà, trầm cảm do cocain hoặc uống rượu làm loét dạ dày nặng hơn).

7/ Ghi nhận có tình trạng dung nạp: nhu cầu tăng rõ rệt số lượng chất dùng (như tăng ít nhất 50%) để có tác dụng nhiễm độc hoặc các tác dụng mong muốn, hoặc làm giảm hẳn hiệu quả nếu chỉ sử dụng một lượng tương tự sau một thời gian dùng.

8/ Có triệu chứng cai.

9/ Sử dụng để làm giảm hoặc tránh triệu chứng cai.

Các triệu chứng kéo dài ít nhất 1 tháng hoặc tái phát liên tục trong một thời gian lâu hơn.

4.1.2.2/ Lạm dụng rượu:

Tiêu chuẩn chẩn đoán lệ thuộc chất (DSM - IV)

Thể hiện việc sử dụng các chất hoạt động tâm thần với hình thái quá đáng, thể hiện ít nhất một trong các triệu chứng sau:

1/ Tiếp tục dù biết rằng liên tục hoặc từng lúc có các vấn đề xã hội, tâm lý, sức khỏe là nguyên do hoặc làm nặng thêm do sử dụng chất.

2/ Dùng đi dùng lại trong các tình huống nguy hiểm như say trong khi lái xe.

Các triệu chứng kéo dài ít nhất 1 tháng hoặc tái phát liên tục trong một thời gian lâu hơn.

Không đủ tiêu chuẩn để chẩn đoán lệ thuộc chất.

4.1.2.3/ Đánh giá:

Đánh giá việc sử dụng rượu muốn chính xác cần phải cân nhắc kỹ. Thường phần lớn bệnh nhân khi được hỏi thường giảm thiểu lượng rượu mình uống. Khi hỏi thường sử dụng các câu hỏi mở hơn là các câu hỏi đóng. Thí dụ: “Anh thường uống lượng rượu bao nhiêu ?” hơn là hỏi “Anh có uống rượu không ?”. Các câu hỏi khác cũng rất có giá trị như: “Anh thường uống rượu buổi sáng hay buổi chiều, mấy lần trong tuần hoặc có mấy lần anh bị mất trí nhớ tạm thời, bạn bè hoặc người thân có lần nào khuyên anh đừng uống rượu nữa không?”. Cần chú ý lạm dụng các chất khác đi kèm. Hỏi xem có bị tai nạn gì không, bệnh nhân có hay gây sự đánh nhau, có thường vắng mặt trong làm việc hoặc có vấn đề trong gia đình hoặc xã hội.

4.1.3/ Điều trị:

Mục đích kéo dài thời gian ngưng rượu. Thường hay bị tái phát, điều trị ban đầu đòi hỏi giải độc, nhập viện nếu cần và điều trị hội chứng cai. Các rối loạn tâm thần đi kèm phải được điều trị khi bệnh nhân ở giai đoạn không uống rượu.

4.1.3.1/ Nhận thức:

Cần thiết nhưng khó đạt được. Bệnh nhân phải biết mình có vấn đề nghiện rượu. Thường phải vượt qua sự phủ định mãnh liệt trước khi có được vấn đề hợp tác trong điều trị. Thường việc này đòi hỏi sự hợp tác của gia đình, bạn bè, các người giúp việc hay các nhóm người khác. Bệnh nhân cần phải biết rằng nếu họ tiếp tục uống rượu, họ sẽ đương đầu với nguy cơ mất việc, gia đình xung đột và giảm sút sức khỏe. Tâm lý trị liệu cá nhân có thể hữu ích nhưng thường tâm lý trị liệu nhóm có hiệu quả hơn. Trị liệu nhóm được chấp nhận cho các bệnh nhân nghiện rượu do gặp các vấn đề xã hội hơn là do các vấn đề tâm thần.

4.1.3.2/ Tâm lý xã hội:

Thường cần thiết và tỏ ra có hiệu quả. Gia đình trị liệu sẽ tập trung vào việc mô tả các tác hại của rượu cho các thành viên trong gia đình. Bệnh nhân buộc phải từ bỏ ý niệm uống rượu là đúng và nhận ra các tác động có hại đến gia đình.

4.1.3.3/ Hóa dược trị liệu:

Disulfiram (Antabuse): 125 – 500mg/ngày nếu bệnh nhân muốn ngưng rượu. Bệnh nhân dùng disulfiram xuất hiện các phản ứng khó chịu khi bệnh nhân chỉ uống một lượng rượu nhỏ. Phản ứng này do sự tích tụ actaldehyde. Bao gồm: đỏ mặt, nhức đầu, khó thở, thở dồn dập, tim đập nhanh, hạ huyết áp, vã mồ hôi, lo âu, mệt lã và lú lẫn. Các biến chứng đe dọa tính mạng tuy hiếm gặp vẫn có thể xãy ra. Disulfiram chỉ có tác dụng có ích nhất thời nhằm đưa bệnh nhân giữ trạng thái ngưng rượu lâu dài.
Naltrexone (Revia): giảm cảm giác thèm rượu, có thể do ức chế sự giải phóng opioid nội sinh. Nó hữu ích cho người cai bằng cách ngăn ngừa tái phát và giảm lượng rượu uống vào. Liều 50mg x 1 lần/ngày cho mỗi bệnh nhân

Lithium: có vẻ không hiệu quả trong việc duy trì thời gian cai hoặc điều trị trầm cảm ở bệnh nhân nghiện rượu

4.2/ Nhiễm độc rượu:

4.2.1/ Định nghĩa:

Vừa mới uống một lượng rượu đủ để gây nên các thay đổi về hành vi thích ứng

4.2.2/ Chẩn đoán:

Trong khi một tình trạng nhiễm độc rượu nhẹ có thể gây nên một tình trạng thư giãn, nói nhiều, hưng phấn nhẹ hoặc thiếu kềm chế thì một tình trạng nặng sẽ dẫn đến các thay đổi thích ứng nhiều hơn như kích động, bực bội, cảm xúc không ổn định, suy giảm phán đoán, ảnh hưởng đến các hoạt động nghề nghiệp và xã hội.

Bệnh nhân có ít nhất một trong các triệu chứng sau: nói lè nhè, mất điều phối, dáng đi lảo đảo, lay giật nhãn cầu, trí nhớ giảm, sửng sờ, mặt đỏ. Nhiễm độc nặng có thể đưa đến hành vi thu rút, chậm chạp trong tâm thần vận động, thoáng mất trí nhớ, cuối cùng lơ mơ, hôn mê và chết. Các hậu quả của nhiễm độc rượu có thể là tai nạn xe cộ, chấn thương đầu, gãy xương sườn, hoạt động tội phạm, giết người hoặc tự sát.

Đánh giá: phải đánh giá bệnh nhân toàn diện, coi chừng máu tụ dưới màng cứng hoặc một tình trạng nhiễm trùng đi kèm. Luôn phải cảnh giác khả năng nhiễm độc cùng với một loại độc chất khác. Rượu thường được dùng cùng một chất ức chế thần kinh trung ương khác như benzodiazepines hoặc barbiturates. Điều này gây nên tác động tương hổ và nhiều nguy cơ đưa đến tử vong.

Một sự khám xét tâm thần nhằm đánh giá các bệnh tâm thần đi kèm sau khi bệnh nhân không còn nhiễm độc nữa bởi vì bất cứ một triệu chứng tâm thần nào cũng có thể xuất hiện một cách nhất thời do nhiễm độc rượu. Xác định nồng độ cồn trong máu ít có giá trị để đánh giá do sự dung nạp của rượ rất khác nhau.

Nhiễm độc đặc ứng: hành vi thiếu thích ứng (thường là xung động hoặc gây hấn) sau khi chỉ uống một lượng nhỏ rượu và lượng rượu này không đủ gây nhiễm độc cho bất kỳ ai, còn gọi là nhiễm độc rượu bệnh lý. Đây là tình trạng hiếm gặp và còn đang bàn cãi. Các hành vi ở đây rất khác biệt so với lúc chưa uống. Yếu tố thúc đẩy thường là tổn thương não bộ.

Rối loạn trí nhớ tạm thời: xuất hiện trong giai đoạn nhiễm độc, trong đó bệnh nhân hoàn toàn quên việc vừa mới xãy ra mặc dù trong giai đoạn này bệnh nhân còn tỉnh táo. Đôi khi có thể kéo dài cả ngày trong lúc đó bệnh nhân còn có thể thực hiện các công việc phức tạp như có thể di chuyển trên một khoảng đường dài mặc dù sau đó hoàn toàn không nhớ. Thường xuất hiện trên bệnh nhân bị chấn thương sọ não.

4.2.3/ Điều trị:

Thường là nâng đở

Nuôi dưỡng bệnh nhân (đặc biệt thiamine, vitamin B12, folate)

Theo dõi đề phòng biến chứng như tấn công người khác, hôn mê, chấn thương đầu, té ngã.

4.3/ Rối loạn loạn thần gây nên do rượu, gồm các ảo giác: (trước đây gọi là trạng thái ảo giác do rượu)

Các ảo giác kéo dài, rất sống động (thường ảo thị, ảo thanh), không có mê sảng, theo sau (thường trong vòng 2 ngày) tình trạng ngưng rượu trên những người lệ thuộc rượu. Có thể kéo dài mãn tính và bệnh cảnh lâm sàng gần giống tâm thần phân liệt. Hiếm gặp. Tỷ lệ nam – nữ là 4:1. Thường tiền sử uống rượu trên 10 năm.

Nếu bệnh nhân kích động, có thể dùng nhóm benzodiazepines như lorazepam (Ativan) 1 – 2mg uống hoặc tiêm bắp mỗi 4 – 6 giờ.

5/ Cai rượu:

Bắt đầu xuất hiện nhiều giờ sau ngưng hoặc giảm rượu, trên bệnh nhân nghiện rượu nặng. Có ít nhất 2 trong các triệu chứng sau: tăng hoạt động hệ thần kinh thực vật, run tay, mất ngủ, buồn nôn hoặc nôn, nhất thời có ảo giác hoặc ảo tưởng, lo âu, động kinh cơn lớn, kích động tâm thần vận động. Có thể xuất hiện với các rối loạn tri giác như ảo giác với các trắc nghiệm thực tế còn giữ tốt.

5.1/ Mê sảng do cai rượu: (trước đây gọi là sảng run)

Thường xuất hiện sau khi ngưng hoặc giảm uống trên bệnh nhân có tiền sử lệ thuộc rượu. Ít gặp hơn so với cai rượu. Không có biến chứng.

⅓ bệnh nhân bị co giật sẽ bị sảng run biểu hiện lâm sàng với triệu chứng lú lẫn, rối loạn định hướng lực, ý thức u ám, dao động, rối loạn tri giác. Kèm theo các triệu chứng của hội chứng cai. Các triệu chứng điển hình là hoang tưởng, các ảo giác sống động, kích động, mất ngủ, sốt nhẹ, rối loạn hệ thần kinh thực vật. Các triệu chứng trên xuất hiện đột ngột trong vòng 2 – 3 ngày và lên đỉnh điểm vào ngày thứ 4 – 5. Bệnh nhân thường thấy các ảo giác sinh động với hình ảnh các côn trùng hoặc các sinh vật bé nhỏ hoặc các loại rối loạn tri giác khác đi kèm tình trạng lo lắng và kích động. Mặc dù sảng run có thể kéo dài tư 4 – 5 tuần, phần lớn các trường hợp thường ổn định sau 3 ngày và nếu điều trị tốt thì tỷ lệ tử vong khoảng 1%

5.1.1/ Chẩn đoán:

1/ Mê sảng

2/ Tăng hoạt động hệ thần kinh thực vật rõ rệt: tim nhanh, vã mồ hôi, sốt, lo âu hoặc mất ngủ.

3/ Các dấu hiệu đi kèm: ảo giác sống động, thường là ảo thị, ảo giác xúc giác hoặc ảo khứu; hoang tưởng, kích động, run, sốt, co giật (thường xuất hiện trước mê sảng)

4/ Các biểu hiện đặc trưng: hoang tưởng không hệ thống, ảo thị với hình ảnh các sinh vật nhỏ hoặc côn trùng, ảo giác xúc giác.

5.1.2/ Cận lâm sàng:

Công thức máu, ion đồ, calcium và magnesium trong máu, chức năng gan, BUN, creatinine, glucose lúc đói, protein toàn phần, thời gian prothrombine, albumine, nồng độ vitamin B12, nồng độ folate, amylase huyết tương, tổng phân tích nước tiểu, ECG, XQ phổi, các xét nghiệm khác như EEG, chọc dò tủy sống, CT-scan sọ não.

5.1.3/ Điều trị:

1/ Ghi nhận sinh hiệu mỗi 6 giờ.

2/ Quan sát bệnh nhân đều đặn.

3/ Giảm các yếu tố gây kích thích.

4/ Điều chỉnh điện giải, điều trị các bệnh đi kèm như nhiễm trùng, chấn thương sọ não.

5/ Nếu bệnh nhân mất nước thì bù nước

6/ Chlordiazepoxide (Librium) 25 – 100mg uống mỗi 6 giờ (có thể sử dụng các thuốc bình thản khác nhưng vấn đề còn bàn cãi). Sử dụng trong các trường hợp kích động, run hoặc gia tăng các dấu hiệu sinh tồn (nhiệt độ, mạch, huyết áp).

7/ Thiamine 100mg uống 1 – 3 lần/ngày

8/ Folic acide 1mg uống.

9/ Multivitamine ngày 1 lần.

10/ Magnesium sulfat 1mg tiêm bắp mỗi 6 giờ trong 2 ngày (ở bệnh nhân có cơn co giật do ngưng rượu)

11/ Sau khi tình trạng bệnh nhân ổn định, giảm liều chlordiazepoxide 20% mỗi 5 – 7 ngày

12/ Sử dụng thuốc ngủ để bệnh nhân ngủ yên.

13/ Điều trị suy dinh dưỡng nếu có.

14/ Liều của benzodiazepine thay đổi rất nhiều giữa các bệnh nhân do bản chất khác nhau về di truyền, về lượng rượu uống vào, các chất dùng đồng thời với rượu. Do nhiều người bị suy chức năng gan nên khó xác định được thời gian bán hủy của thuốc ngủ.

15/ Nói chung, tránh thuốc chống loạn thần do nó có thể làm xuất hiện cơn động kinh. Nếu bệnh nhân kích động, các triệu chứng loạn thần và có dấu hiệu nhiễm độc benzodiazepine (đi loạng choạng, nói lè nhè) có thể dùng thuốc chống loạn thần hoạt lực mạnh như haloperidol hoặc fluphenazine ít làm xuất hiện cơn động kinh hơn các thuốc chống loạn thần hoạt lực thấp.

5.2/ Quên kéo dài do rượu:

Rối loạn trí nhớ do uống nhiều rượu kéo dài hiếm khi ở người trẻ hơn 35 tuổi. Tên cổ điển là bệnh não Wernicke (các triệu chứng thần kinh cấp tính) và hội chứng Korxakoff (tình trạng mãn tính)

Bệnh não Wernicke: tình trạng cấp tính do thiếu thiamine. Biểu hiện bởi lay giật nhãn cầu, liệt vận nhãn, thất điều, lú lẫn toàn bộ. Các triệu chứng khác như bịa chuyện, ngủ gà, mất khả năng phân biệt, sãng nhẹ, mất ngủ do lo âu, sợ bóng đêm. Thiếu thiamine thường do nghiện rượu mãn. Trị liệu với thiamine cho đến khi hết liệt vận nhãn. Có khi cần thêm magnesium. Với trị liệu như vậy hầu hết các triệu chứng phục hồi, ngoại trừ thất điều, lay tròng mắt và đôi khi viêm đa dây thần kinh. Hội chứng này mất sau vài ngày, vài tuần hoặc có thể tiến triển thành hội chứng Korxakoff

Hội chứng Korxakoff: thường liên quan đến nghiện rượu mãn dù vẫn ăn uống đầy đủ. Nguyên nhân do thiếu thiamine, hiếm gặp. Biểu hiện quên thuận chiều và cả ngược chiều. Bệnh nhân có biểu hiện bịa chuyện, rối loạn định hướng lực, viêm đa dây thần kinh. Ngoài việc thêm thiamine thì clonidine và propranolol cũng có tác dụng tuy hạn chế. Thường kèm sa sút do rượu.

6/ Sa sút mãn do độc chất:

Chẩn đoán này chỉ được làm khi đã loại trừ ra các nguyên nhân gây sa sút và trên bệnh nhân có tiền sử uống nhiều rượu. Tình trạng này xuất hiện sau khi nhiễm độc hoặc sau hội chứng cai. Thường sa sút nhẹ. Điều trị như trong tình trạng sa sút do nguyên do khác.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Review of general psychiatry. Howard H. Goldman, 2000, p.263-283.
2. Current diagnosis & treatment in psychiatry. Michael H. Ebert, Peter T. Loosen, Barry Nurcombe, 2000, p. 290-327.
3. Synopsis of psychiatry. Harold I. Kaplan, Benjamin J. Sadock, 1998, p. 524-572.
4. Psychiatry for medical students. Robert J. Waldinger, 1997, p. 101 – 125.
5. Textbook of psychiatry. Robert E. Hales, Stuart C. Yudofsky, John A. Talbott, 1994, p. 465 – 494.

TS. Ngô Tích Linh 

Chủ nhiệm Bộ môn Tâm thần – ĐH Y Dược Tp. Hồ Chí Minh