Truy cập nội dung luôn

Chi tiết tin

Báo cáo nhân điều trị hồi phục tốt một bệnh nhân tâm thần phân liệt đã bỏ điều trị 26 năm tại Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang
05/12/2019

BS Nguyễn Thị Ngọc Yến*

Tóm tắt

Với thông điệp “sống chung với tâm thần phân liệt”, nhân ngày sức khỏe tâm thần thế giới - ngày 10 tháng 10. Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra thông điệp việc chăm sóc bệnh tâm thần phân liệt tại nhà, việc người thân và cộng đồng cùng tham gia chăm sóc bệnh nhân tâm thần phân liệt là mộtthay đổi quan niệm điều trị quan trọng không kém bên cạnh quá trình theo dõi thăm khám điều trị bệnh nội, ngoại trú của thầy thuốc.

Mục tiêu:chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng, tâm thần phân liệt là một rối loạn có thể điều trị được và người bệnh có thể làm việc và sống bình thường với người thân trong gia đình, xã hội.

Phương pháp nghiên cứu: mô tả 01 trường hợp nữ bệnh nhân tâm thần phân liệt, mắc bệnh từ năm 1991, bỏ điều trị đến năm 2018 tiếp tục điều trị.

Kết quả: Sau 02 tháng điều trị, đơn trị liệu, dùng olanzapine 10mg/ngày, bệnh vui vẻ, giao tiếp với gia đình tốt, ăn uống được nhiều, vệ sinh cá nhân sạch sẽ.

Kết luận: Với bệnh nhân tâm thần phân liệt này, nếu gia đình quan tâm điều trị sớm khả năng hòa nhập cộng đồng tốt hơn.

Từ khóa: Tâm thần phân liệt, cộng đồng.

A case report, recovered treatment a patient the schizophrenia

untreated for 26 years at Tien Giang Mental Hospital

ABSTRACT

"Living with schizophrenia", on the occasion of World Mental Health Day - October 10. The World Health Organization had message about caring for schizophrenia at families, Relatives and the community involved in caring for schizophrenia patients was an equally important change in treatment concept besides the care of psychiatrists.

Objective: Mental health care in community, schizophrenia spectrum disorder is a treatable and patients can work and live a normal life with family, community integration.

Methods: A case report,a femal schizophrenia patient untreament for 26 years.

Results: After 2 months of treatment, monotheraphy used olanzapine 10mg/day, Patient recovered mental very well,  communicating well with family.

Couclusions: This schizophrenic patient can recover, if the family was interested in early treatment, the possibility of community reintegration was better.

Keywords: schizophrenia, community.

*BS Nguyễn Thị Ngọc Yến: Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang.

ĐiệnThoại: 0932970998.

Email: ngocyen366@gmail.com

Đặt vấn đề

Theo WHO, có 18,5% bệnh nhân tâm thần phân liệt bị đối xử thô bạo (11), và chỉ có 45,59% số bệnh nhân và 40,43%  số người chăm sóc bệnh nhân nhận thức đúng rằng bệnh tâm thần phân liệt cần được điều trị củng cố(3).

Dù Bộ y tế đã có chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng, tuy nhiên chương trình này vận hành vẫn chỉ giới hạn ở việc phát thuốc cho bệnh nhân bị tâm thần phân liệt và trầm cảm, và chỉ thực hiện ở khoảng 70% tổng số xã trên toàn quốc, các bệnh tâm thần phổ biến vẫn chưa được quan tâm (1).

Báo cáo ca lâm sàng

Bệnh nhân mắc bệnh khoảng năm 1991, có những biểu hiện mất ngủ, ngồi nói chuyện một mình, đi có lúc lang thang ngoài đường, không tiếp xúc xung quanh, cộc cằn, quậy phá gia đình, nghĩ có người nhập vào bệnh nhân. Gia đình có thời gian điều trị bằng cúng thầy bùa. Sau đó bệnh quậy phá gia đình, không chịu ăn uống, mất ngủ, được gia đình đưa đến khám điều trị tại khoa tâm thần Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang, nhập viện điều trị khỏang một tháng xuất viện, sử thuốc và chẩn đoán không rõ, sau đó gia đình không đưa bệnh nhân đi điều trị tiếp tục, do cha mẹ mất, con bệnh nhân còn nhỏ chỉ 06 tuổi, bệnh nhân ở nhà riêng, anh chị em không tiếp xúc bệnh nhân được, và cũng không được điều trị khoảng từ năm 1992, thỉnh thoảng gia đình có đi chùa, cúng lể cầu an cho bệnh nhân.

Trong khoảng thời gian 26 năm này, bệnh nhân sống cùng con gái và người chị ruột thứ năm. Con gái được chị chăm sóc nuôi dạy và lo cho ăn học, lập gia đình, hiện nay làm công nhân, lao động phổ thông, có một con trai 08 tuổi. Khoảng thời không trị bệnh thì bệnh nhân được gia đình cất cho một căn nhà nhỏ riêng biệt, mọi sinh hoạt cá nhân ăn ngủ, sinh hoạt tắm rửa tự làm, ăn uống thì có chị nấu đem qua nhà để một chổ rồi bệnh sẽ tự ăn khi thích, hàng ngày bệnh nhân ngủ đến trưa sau đó thức ngồi một chổ, cười nói một mình không rõ nội dung, có lúc tự ý đi lang thang ngoài đường, đến tối trở về nhà ăn uống, biết tự tắm rửa vệ sinh cá nhân, tối tự mắc mùng ngủ trong nhà riêng, không tiếp xúc với người thân kể cả con gái ruột của mình.

Khoảng 02 tháng trước lúc nhập viện bệnh nhân mất ngủ cả, đêm hay nói chuyện một mình, nói có người nhập vào mình, nghĩ có người giết mình, đi lang thang ngoài đường, về nhà có lúc đập phá đồ gia đình, ăn uống sợ bị bỏ độc vào thức ăn, đồ uống nên không dám ăn uống, cộc cằn, cự cải gia đình chị ruột, có lúc dọa đòi chém chị ruột. Gia đình đưa đến nhập viện điều trị.

Khám lúc nhập viện: lúc 09 giờ sáng ngày 05/11/2018.

Khám tâm thần: Bệnh nhân tỉnh táo, Khí sắc thờ ơ, không tiếp xúc lúc khám, ngồi nhìn một chổ dưới chân, nói chuyện một mình, nói có người nhập, vệ sinh cá nhân kém, tóc dài rối, đầu đội nón rộng vành, kém sụp xuống che cả mặt, quần áo nhiều ngày không thay, đưa đồ ăn nước uống không ăn, không chịu uống nước.

Khám toàn thân: bệnh nhân thể trạng gầy,

Cân nặng 38kg,            Mạch = 60 lần/phút; nhiệt độ= 37,50C; Huyết áp = 90/60mmHg; nhịp thở = 20 lần/phút. BMI = 13.

Bệnh nhân thể trạng gầy, da niêm hồng nhạt, da lông tóc móng khô, tim nhịp đều rõ, phổi không âm bệnh lý, không ghi nhận dấu hiệu thần kinh định vị.

Công thức  máu: Bạch Cầu =  5.6 k/uL, giá trị tham chiếu (4,8 – 10,8); HC = 3.61 M/uL, giá trị tham chiếu (4,70 – 6,10); TC =  154  k/uL, giá trị tham chiếu(130 – 400 ); HCT =33.2 %, giá trị tham chiếu(37.0 – 47.0); Hb = 11.3 g/dl, giá trị tham chiếu(12.0 –16.0). Kết luận:Thiếu máu mãn.

Xử trí nhập viện:           Olanzapin 10mg 01 viên (uống), Diazepam 5mg 02 viên (uống), Ferrovit  01 viên (uống)

Chẩn đoán: Tâm thần phân liệt thể hoang tưởng (F20.0) + thiếu máu mãn + suy kiệt ở tuổi già (6).

Bàn luận

Với bệnh cảnh lâm sàng một bệnh nhân tâm thần phân liệt 26 năm gia đình bỏ không điều trị bằng thuốc, nhập viện với bệnh cảnh tâm thần phân liệt thể hoang tưởng (F20.0), kèm bệnh lý thiếu máu mãn, suy kiệt cơ thể.

Qua 59 ngày điều trị và chăm sóc tích cực tại khoa nội trú nữ Bệnh viện tâm thần Tiền Giang. Chúng tôi chỉ sử dụng thuốc chống loạn thần đơn trị liệu thuốc chống loạn thần thế hệ mới theo xu hướng tâm thần hiện đại. Thuốc olanzapin sử dụng liều 10mg dùng một lần vào buổi tối.

Diễn tiến lâm sàng bệnh nhân hồi phục tâm thần tốt qua mỗi ngày, trong bệnh cảnh khí sắc vui vẻ trở lại, tư duy liên quan không còn hoang tưởng và ảo giác, biết quan tâm gia đình giao tiếp tốt với con và chị, nhận thức bệnh, chịu ăn uống,vệ sinh cá nhân sạch sẽ, tắm rữa mỗi ngày, thay quần áo, chải đầu, đánh răng vệ sinh sau ăn và hợp tác uống thuốc điều trị mỗi ngày.

Bệnh nhân xuất viện tiếp tục điều trị ngoại trú, dùng đơn trị liệu thuốc chống loạn thần thế hệ mới là olanzapine 10mg mỗi tối.Theo hiệp hội tâm thần Mỹ, không được kê đơn thuốc đồng thời hơn hai thuốc chống loạn thần khi chưa có đánh giá và theo dõi, trong điều trị tâm thần cũng như các chuyên khoa khác, việc sử dụng nhiều loại thuốc là thực trạng trên thế giới mặc dù nhiều nghiên cứu tâm thần đã khẳng định chỉ cần đơn trị liệu cũng có hiệu quả điều trị và ít có tác dụng không mong muốn do thuốc trong điều trị  (4),(5),(10).

Tại Pháp, một nghiên cứu toa thuốc tại 13 bệnh viện tâm thần ghi nhận tỉ lệ sử dụng một thuốc chống loạn thần là 50,7%. Sử dụng thuốc chống loạn thần thế hệ thứ nhất 43,3%, thế hệ thứ hai 61,9% (7).

Trong một nghiên cứu khác, tác giả Yu-Tao Xiang và nhóm nghiên cứu cũng ghi nhận thấy bệnh nhân tâm thần phân liệt ở các nước Châu Á dùng các thuốc chống loạn thần thế hệ thứ hai có risperidone 4,5 ± 2,7mg/ngày, olanzapine 13,6 ± 6,5 mg/ngày, quetiapine 325,0 ± 237,3 mg/ngày và aripiprazole 17,6 ± 7,7mg/ngày (10).

Nghiên cứu của tác giả Mian-Yoon-Chong về kê đơn thuốc chống loạn thần cho bệnh tâm thần phân liệt nội trú ở Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan năm 2001 và 2004. Tỷ lệ sử dụng thuốc đơn trị liệu tăng đáng kể từ 52,7% năm 2001 lên 61,1% năm 2004, có 54% đơn trị liệu, 53,3% thuốc chống loạn thần thế hệ thứ nhất và 46,7% thuốc chống loạn thần thế thứ hai. Có xu hướng sử dụng liều thấp thuốc chống loạn thần và sử dụng ít thuốc điều chỉnh tác dụng phụ Parkinson hơn (9).

Điều trị tâm lý cũng được áp dụng cho bệnh nhân, bệnh nhân được tập thích ứng xã hội qua giao tiếp với các đồng bệnh, hướng dẫn ăn cơm tập thể, tắm rữa thay quần áo, bệnh bỏ các vòng đeo tay, bỏ đội nón, tập thể dục mỗi sáng, giao tiếp với đồng bệnh (1),(4),(5).

Tư vấn cho gia đình của bệnh nhân tâm lý chăm sóc bệnh nhân, đây là một liệu pháp tâm lý gia đình quan trong giúp bệnh nhân tái thích ứng, hòa nhập cộng đồng, “sống chung với tâm thần phân liệt”. Tránh các tác nhân kích thích, người bệnh tâm thần phân liệt thường xuất hiện cơn kích động khi quá căng thẳng. Vì vậy, điều quan trọng là tránh các yếu tố gây căng thẳng khiến cơn bệnh bộc phát. Có nhiều phương pháp đối phó với stress như: Các tác nhân gây stress khác nhau tùy từng người. Khi đã biết các tác nhân gây stress, bạn hãy hết sức tránh khi có thể, bệnh nhân có thể thực hành các phương pháp thư giãn như thiền, thể dục dưỡng sinh.Theo tác giả Lê Hoàng Nhân, người chăm sóc bệnh nhân tâm thần phân liệt đã có cái nhìn “thoáng” hơn đối với bênh nhân tâm thân phân liệt khi chăm sóc tại nhà, chỉ có 14% người chăm sóc có thái độ tiêu cực đối với bênh nhân tâm thần phân liệt, 17% có thái độ tích cực và 69% người chăm sóc có thái độ trung lập (3).

Chỉ có 45,59% số bệnh nhân và 40,43%  số người chăm sóc bệnh nhân nhận thức đúng rằng bệnh tâm thần phân liệt cần được điều trị củng cố thời gian dài (11).

Theo giáo sư George N. Christodoulou, Chủ tịch Liên đoàn Sức khỏe Tâm thần Thế giới (World Federation for Mental Health = WFMH), hiện nay có khoảng 26 triệu bệnh nhân tâm thần phân liệt, nhưng chỉ có 50% tiếp cận được với các phương pháp chữa trị thích hợp, xã hội còn kỳ thị người bệnh tâm thần phân liệt. Các quốc gia đã có chế độ bảo hiểm y tế thanh toán thuốc điều trị, chính sách hỗ trợ cuộc sống người bệnh tâm thần phân liệt trong đó có Việt Nam. Nhưng do bệnh tâm thần phân liệt diễn tiến mãn tính, bệnh nhân có nguy cơ mất việc làm gấp 6 -7 lần, có 18,5 % bệnh nhân bị cư xử bạo lực. Tỷ lệ mắc một số bệnh khác như bệnh tim mạch, đái tháo đường bệnh đường hô hấp, bệnh lây nhiễm khác cũng cao hơn và tử vong sớm hơn từ 10 đến 20 năm so người bình thường (1),(2).

Song song việc điều trị bệnh tâm thần phân liệt cho bệnh nhân, chúng tôi cũng quan tâm vấn đề suy kiệt cơ thể của bệnh nhân, trong những ngày đầu nhập viện, bệnh nhân được bồi hoàn thêm các dung dịch nước và điện giải sinh lý, cung cấp dinh dưỡng cho bệnh nhân như: Glucose 5%, LactacRingger.

Ngoài ra cho bệnh nhân sử dụng các vitamin, khoáng chất, các vi chất như Homtamin Ginsen, Ferrovit để bổ sung bệnh lý thiếu máu, hướng dẫn gia đình chăm sóc dinh dưỡng đúng cũng được chúng tôi chú trọng do bệnh nhân bỏ trị thời gian dài, một phần gia đình không tiếp cận chăm sóc được, một phần bệnh nhân bị ảo giác hoang tưởng bị hại, sợ có thuốc độc trong thức ăn nên ăn uống ít, đã dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng và suy kiệt, việc điều chỉnh bổ sung dinh dưỡng lúc này có tác dụng nâng đỡ để người bệnh có đủ chất dinh dưỡng chống suy kiệt, tư vấn người nhà cho ăn uống đầy đủ thực phẩm đảm bảo các nhóm chất: đạm, bột đường, béo. Một chế độ ăn nhiều cá, rau, ít thịt, thêm dầu thực vật, uống nhiều nước (1).

Qua ca lâm sàng bệnh nhân tâm thần phân liệt đã bỏ trị 26 năm, nhưng khi tiếp cận và chỉ đơn trị liệu, điều trị bằng thuốc chống loạn thần thế hệ mới olazapine 10mg/ngày kết hợp các liệu pháp tâm lý khác, bệnh nhân đã các tương tác xã hội tốt hơn, duy trì được mối quan hệ gia đình, thậm chí còn có thể sống tốt nếu đều trị sớm và kịp thời giai đoạn loạn thời mới khởi phát.

Trong những năm gần đây, với sự ra đời của nhiều thuốc chống loạn thần thế hệ mới và sự quan tâm nhiều hơn đến các yếu tố tâm lý xã hội, bệnh tâm thần phân liệt đã được điều trị an toàn và hiệu quả hơn, giảm đáng kể những trường hợp cần nhập viện nhờ đó giảm được chi phí điều trị, đem lại niềm hy vọng cho người bệnh và gia đình của họ(1),(4),(5).

Đúng như thông điệp của Tổ chức Y tế thế giới “sống chung với tâm thần phân liệt”. Vấn đề chăm sóc bệnh nhân tâm thần phân liệt, hiểu “sống chung với bệnh nhân tâm thần phân liệt” đúng sẽ làm giảm bệnh đồng thời cũng giúp nâng cao sức khỏe cho mọi người (11).

Sống với bệnh tâm thần phân liệt không hẳn là thảm họa như nhiều người lầm tưởng, nhân viên công tác xã hội chúng ta cần tư vấn cho gia đình có những định hướng cho họ hiểu đúng, hiểu rõ về bệnh tâm thần phân  liệt. Các nghiên cứu trên tâm thần học cũng cho thấy kết quả nếu điều trị bệnh Tâm thần phân liệt càng sớm, giai đoạn đầu của bệnh thì hiệu quả điều trị càng cao. Tâm thần phân liệt là một rối loạn có thể điều trị được và người bệnh có thể làm việc và sống bình thường với người thân trong gia đình, xã hội. Chúng ta đặt ra kế hoạch chăm sóc điều trị, tạo điều kiện thích ứng và hòa nhập cho bệnh nhân tâm thần phân liệt, từ cung cấp đầy đủ các loại thuốc chống loạn thần an toàn, hiệu quả đến đào tạo nguồn lực đủ bác sĩ, điều dưỡng, chuyên viên tâm lý và nhân viên công tác xã hội, hỗ trợ cộng đồng, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh (1),(11).

Kết luận

Qua báo cáo ca lâm sàng tâm thần phân liệt đã bỏ điều trị 26 năm, nhưng khi được điều trị và hồi phục tốt này, chúng tôi muốn nhắc lại rằng ngày nay thuốc chống loạn thần trong điều trị tâm thần phân liệt có nhiều thuốc chống loạn thần thế hệ mới và nếu có được sự quan tâm nhiều hơn của gia đình, sự quan tâm đến các yếu tố phục hồi tâm lý xã hội, sự nâng đỡ của cộng đồng thì bệnh tâm thần phân liệt sẽ được điều trị an toàn và hiệu quả hơn, giảm đáng kể những trường hợp cần nhập viện nhờ đó giảm được chi phí điều trị, đem lại niềm hy vọng cho người bệnh và gia đình của họ(11).

Đây là một trường hợp lâm sàng tâm thần phân liệt hồi phục tốt dù đã bỏ trị thời gian dài 26 năm, và chỉ đơn trị liệu thuốc chống loạn thần thế hệ mới cho bệnh nhân. Đúng như thông điệp của Tổ chức Y tế thế giới “sống chung với tâm thần phân liệt” (1),(4).(5),(11).

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ Lao động thương binh và xã hội (2017), “Công tác xã hội trong chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng”, tài liệu hướng dẫn thực hành dành cho cán bộ xã hội cấp cơ sở, tr 05 – 83.
  2. Đinh Quốc Khánh, Trần Hữu Bình, Nguyễn Thanh Hương (2011), “Kiến thức - thái độ - thực hành của người chăm sóc chính người bệnh tâm thần phân liệt tại nhà và một số yếu tố liên quan ở huyện Bình Xuyên,Vĩnh Phúc, năm 2010”, tạp chí Y tế Công cộng 2011, số 21 tr.18-23.
  3. Lê Hoàng Nhân (2015), “Thái độ của người chăm sóc đối với bệnh nhân tâm thần phân liệt đang điều trị tại nhà”, Tạp chí nghiên cứu khoa học, số 09, tháng 11/2015, tr 77-85.
  4. Nguyễn Văn Nuôi (2005), “Tâm thần phân liệt”, Tâm thần học, Bộ môn Tâm thần – Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản y học, tr. 133 - 153.
  5. Đào Trần Thái  (2005), “Điều trị trong tâm thần học – Liệu pháp hóa dược”, Tâm thần học, Bộ môn Tâm thần – Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản y học, tr. 223 - 240.
  6. WHO, ICD 10 (1992), Bảng phân loại bệnh tật quốc tế lần thứ 10 về các rối loạn tâm thần và hành vi, bảng dịch của Viện sức khoẻ tâm thần Trung ương.
  7. Bret P., Bert MC., Queuille E. (2009), “Prescribing patterns of antipsychotics in 13 French psychiatric hospitals”, Pub Med. Gov, Encephale, 2009, Apr;35(2), pp.129-38.
  8.  Mian-Yoon Chong, Chay Hoon Tan, Senta Fujii, Shu-Yu Yang, Gabor S. Ungvari, Tianmei Si, Eun Kee Chung, Kang Sim, Hin-Yeung Tsang, Naotaka Shinfuku (2004), “Antipsychotic drug prescription for schizophrenia in East Asia: rationale for change”, Psychiatry and Clinical Neurosciences, 58, pp.61-67.
  9. Mian‐Yoon Chong, Chay Hoon Tan,  Naotaka Shinfuku, Shu‐Yu Yang, Kang Sim, Senta Fujii, Tianmei Si, Eun Kee Chung, Ee Heok Kua (2010), “Prescribing antipsychotic drugs for inpatients with schizophrenia in Asia: Comparison of REAP2001 and REAP2004 studies”, Asia – Pacific Psychiatric, Volume 2 Issue 2, pp77-84.
  10. Yu-Tao Xiang, Julie Kreyenbuhl, Faith B. Dickerson, Gabor S. Ungvari, Chuan-Yue Wang, Tia-Mei Si, Edwin H Lee, Yan-Ling He, Helen F Chiu, Shu-Yu Yang, Mian-Yoon Chong, Chay-Hoon Tan, Ea-Heok Kua, Senta Fujii, Kang Sim, Micheal K. Yong, Jitendra K. Trivedi, Eun-Kee Chung, Pichet Udomratn, Kok-Yoon Chee, Norman Sartorius and Naotaka Shinfuku (2012), “Use of first-and second-genertion antipsychotic medication in older patients with schizophrenia in Asia (2001-2009)”, Australian & New Zealand Journal of Psychiatry 46(12), pp.1159-1164.
  11. World Health Organization, “Living with Schizophrenia”. World Mental Health Day 2014.  https://www.who.int/mental_health/world-mental-health-day/paper_wfmh.pdf.